Chi Tiết Thời Gian Lịch Thăm Viếng Lăng Bác Mở Cửa Mới Nhất Năm 2023

Nội dung chính


    Giới thiệu về Lăng Bác.

    Lăng Bác là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Hà Nội mà không thể bỏ qua. Được khởi công vào ngày 2/9/1973 và hoàn thành vào ngày 19/8/1975, lăng này là nơi an táng thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới. Lăng Bác nằm trong khuôn viên lớn bao gồm Quảng trường Ba Đình, phủ Chủ tịch và nhà sàn Bác Hồ.
     
    Mặt chính của lăng hướng về phía đông, đối diện với Quảng trường Ba Đình. Lăng được chia thành 3 lớp với chiều cao là 21,6m. Lớp dưới có kiến trúc bậc thang, có lễ đài dành cho các hoạt động mít tinh của đoàn Chủ tịch. Phần giữa là trung tâm của lăng, bao gồm phòng thi hài, hành lang và cầu thang lên xuống. Phần trên cách điệu hình bông sen nở là mái lăng. Trước mặt chính của lăng có dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" được chạm trên tấm đá hồng ngọc màu mận chín.

    - Tầng 1 của Lăng là một dãy khán đài được xây theo hình bậc thang để tiện cho việc tổ chức các buổi lễ quan trọng. Tầng 2 là Trung tâm của Lăng, bao gồm phòng thi hài, các hành lang và cầu thang lên xuống. Tại đây có hai lá cờ quốc kỳ và đảng kỳ lớn được ghép bằng 4000 mảnh đá hồng ngọc từ Thanh Hóa, hình búa liềm và sao vàng được ghép bằng đá cẩm vân màu vàng sáng. Di hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trong lồng kính cùng với nhiệt độ phòng ở mức quy định.
     
    - Tầng trên cùng của Lăng là mái được thiết kế thành hình tam cấp. Mặt chính của Lăng có khắc dòng chữ “Chủ Tịch Hồ Chí Minh” bằng đá hồng ngọc màu mận chín từ Cao Bằng.
     
    - Tiền sảnh của Lăng được ốp đá hoa cương vân đỏ hồng với dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” và chữ ký của Bác được dát vàng. 200 bộ cửa của Lăng Bác được làm từ các loại gỗ quý đến từ Nam Bộ, Tây Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng và Bộ đội Trường Sơn, và được thực hiện bởi các nghệ nhân Nam Hà, Hà Bắc, Gia Hòa và Nghệ An.
    Cảnh quan xung quanh Lăng được bố trí với hơn 250 loài thực vật, mỗi cây, mỗi loài hoa mang một ý nghĩa riêng

    Lăng Bác tên ngắn gọn của Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng toàn thể dân tộc Việt Nam là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội mỗi khi bất kỳ người dân nào và bạn bè Quốc Tế tới Việt Nam đều phải ghé thăm. Cùng xem thời gian lịch Lăng Bác mở cửa và lịch viếng Lăng Bác Hồ mới nhất cũng như Điều lệ quy định khi thăm Lăng Bác dưới đây nhé.

    lang-bac-ho

    Giờ Mở Cửa Lăng Bác Mới Nhất Năm 2023 :

    Thời gian mở cửa Lăng Bác được tổ chức vào các buổi sáng: Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật. Thứ HaiThứ Sáu không tổ chức lễ viếng, cụ thể Lăng Bác mở cửa những ngày như sau:
    Mùa Hè (từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10):
    + Thời gian từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút.
    + Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ.
    Mùa Đông (từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3 năm sau):
    + Thời gian từ 8 giờ đến 11 giờ.
    + Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút.
    Ngày 19/5, 2/9 và Mồng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào Thứ Hai hoặc Thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng tham quan lăng Bác.

    Theo thông báo của Ban Quản Lý Lăng, kể từ ngày 12 tháng 6 năm 2023 Lăng Bác sẽ đóng cửa để sửa chữa bảo trì, tới ngày 15 tháng 8 năm 2023 Lăng Bác sẽ mở cửa trở lại để đón tiếp quý khách. Trong thời gian đóng cửa để bảo trì Quý khách thập phương và Quốc tế vẫn có thể dâng hương tưởng niệm Đài Tưởng Niệm Bắc Son

     
    thoi-gian-vieng-lang-bac-moi-nhat-2020

    Giá Vé Vào Thăm Lăng Bác

    Lăng Chủ tịch và khu nhà sàn Bác Hồ có giá vé vào cửa là 25.000đ/lượt đối với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam thì không mất phí vào cửa.

    QUY ĐỊNH

    Tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm lăng Bác
    và tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ
    Chương I

    QUY ĐỊNH CHUNG

    Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
     
    Quy định việc điều hành, phối hợp hiệp đồng các lực lượng trong tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hoá, tham quan khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ (sau đây gọi tắt là Đài tưởng niệm).
     
    Điều 2. Đối tượng áp dụng.
     
    1. Cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, người lao động (sau đây gọi tắt là cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ) trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý Lăng).
    2. Các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hoá, tham quan khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm.
     
    Điều 3. Nguyên tắc phối hợp hiệp đồng.
     
    1. Giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, chức trách được giao. Tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chuyên trách phối thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được các Bộ chủ quản quy định và chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Quản lý Lăng.
     
    2. Tổ chức phục vụ chu đáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hoá, tham quan khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm.
     
    Chương II

    TỔ CHỨC LỄ VIẾNG, LỄ TƯỞNG NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


    Điều 4. Tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
     
    1. Tổ chức lễ viếng thường xuyên
    Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức vào các buổi sáng: Thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ Nhật.
    Thứ Hai và thứ Sáu không tổ chức lễ viếng.
     
    a) Thời gian mở cửa mùa nóng (từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10):
    - Thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm: Từ 07 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút;
    - Thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ: Từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ.
     
    b) Thời gian mở cửa mùa lạnh (từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3 năm sau):
    - Thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm: Từ 08 giờ đến 11 giờ;
    - Thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ: Từ 08 giờ đến 11 giờ 30 phút.
     
    c) Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Ngày Quốc khánh 02/9 và mồng Một Tết Nguyên đán, nếu trùng vào thứ Hai hoặc thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
     
    d) Khi hết thời gian tổ chức lễ viếng theo quy định, nếu số lượng khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu tập kết Số 17 Ngọc Hà (sau đây gọi tắt là Khu tập kết) còn nhiều, Trực Chỉ huy Trung đoàn 375 thống nhất với Trực Chỉ huy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng quyết định kéo dài thời gian viếng nhưng không quá 30 phút, sau đó thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan biết để thực hiện.
     
    Hết thời gian trên, nếu thấy cần tiếp tục kéo dài thời gian viếng, Trực Chỉ huy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng báo cáo Trưởng ban Ban Quản lý Lăng (hoặc người được ủy quyền) quyết định.
     
    đ) Các trường hợp viếng ngoài thời gian trên do Trưởng ban Ban Quản lý Lăng quyết định.
     
    2. Tổ chức lễ viếng cấp Nhà nước
     
    a) Tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp Nhà nước vào các dịp kỷ niệm: Tết Nguyên đán, Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/2, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Ngày Cách mạng Tháng Tám 19/8 và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9.
     
    Các đoàn đại biểu bao gồm:
     
    - Đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng;
    - Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an;
     
    - Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội
    - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7;
    - Đoàn đại biểu Đoàn Ngoại giao và Trưởng đại diện của các Tổ chức quốc tế tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám 19/8 và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9;
    - Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình.
     
    b) Trước khi khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc, các kỳ họp Quốc hội, Ban Quản lý Lăng phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đón tiếp và phục vụ các đoàn đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
     
    3. Phân cấp các đoàn viếng
     
    - Đoàn cấp A: Tổng thống, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Nhà Vua, Nữ hoàng.
     
    - Đoàn cấp A1: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận, Phó Tổng thống, Phó Chủ tịch Nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và tương đương.
     
    - Đoàn cấp A2: Các đoàn còn lại.
     
    Các trường hợp đặc biệt cần nâng cấp do Trưởng ban Ban Quản lý Lăng quyết định.
     
    4. Địa điểm tập kết
     
    - Số 17 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội: Dành cho tất cả các tập thể và cá nhân đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
     
    - Số 8 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội: Dành cho các đoàn đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh có đăng ký vòng hoa hoặc không đăng ký vòng hoa nhưng có nhu cầu nghe giới thiệu về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng, xem phim tư liệu; các đoàn Người có công với cách mạng, các đoàn đến tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hóa tại khu vực Lăng. Đoàn học sinh không thuộc đối tượng sinh hoạt chính trị trước Lăng không tiếp nhận đi cổng Số 8 Hùng Vương.
     
    Điều 5. Tổ chức lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
     
    1. Ngoài thời gian tổ chức lễ viếng thường xuyên, việc tiếp nhận các đoàn đến đặt hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Trưởng ban Ban Quản lý Lăng quyết định.
     
    2. Các đoàn đặt hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cửa Lăng, rẽ phải theo lối cửa ra ngoài.

     
    Điều 6. Tiếp nhận đăng ký viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng dẫn sinh hoạt chính trị, văn hoá.
     
    1. Tiếp nhận đăng ký.
     
    a) Ban Tổ chức thuộc Trung đoàn 375 (sau đây gọi tắt là Ban Tổ chức) tiếp nhận đăng ký, cấp giấy hẹn và hướng dẫn cho các tập thể, cá nhân đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Số 17 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
     
    b) Ban Đón tiếp thuộc Văn phòng Ban Quản lý Lăng (sau đây gọi tắt là Ban Đón tiếp) tiếp nhận đăng ký, cấp giấy hẹn và hướng dẫn cho các đoàn ngoại giao, đoàn chính sách, Người có công với cách mạng; các đoàn là khách đối ngoại của các cơ quan Trung ương, địa phương và của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Số 1 Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội.
     
    c) Vào 15 giờ 30 phút hàng ngày, Ban Tổ chức và Ban Đón tiếp tổng hợp kế hoạch viếng, tưởng niệm ngày hôm sau. Ban Đón tiếp báo cáo Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng để Chánh Văn phòng phê duyệt kế hoạch. Nếu có các đoàn đặc biệt, Chánh Văn phòng báo cáo lãnh đạo Ban Quản lý Lăng.
     
    2. Tiếp nhận số lượng vòng hoa trong ngày.
     
    a) Ngày tổ chức lễ viếng thường xuyên: Tiếp nhận đăng ký không quá 14 vòng hoa.
    b) Thứ Bảy, Chủ Nhật: Tiếp nhận đăng ký không quá 10 vòng hoa.
     
    c) Các ngày tổ chức lễ viếng cấp Nhà nước: Tiếp nhận đăng ký không quá 5 vòng hoa.
    Trường hợp vượt số lượng quy định trên sẽ do Trưởng ban Ban Quản lý Lăng quyết định.
     
    3. Tiếp nhận, hướng dẫn các đoàn sinh hoạt chính trị, văn hoá.
     
    a) Các hình thức sinh hoạt chính trị, văn hoá tại Lăng gồm: Lễ báo công, Lễ kết nạp đảng viên, Lễ kết nạp đoàn viên, Lễ kết nạp đội viên, Lễ trao phần thưởng, Lễ trao bằng tốt nghiệp, Lễ tuyên thệ xuất quân, Lễ đặt hoa trong ngày cưới, tổ chức biểu diễn văn nghệ, thể dục, thể thao và những hình thức sinh hoạt chính trị, tuyên truyền văn hóa khác.
     
    b) Các sinh hoạt chính trị, văn hóa phải bảo đảm sự trang nghiêm, không làm ảnh hưởng đến dòng người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cảnh quan môi trường khu vực. Nội dung sinh hoạt chính trị, văn hóa của các đoàn phải được Ban Quản lý Lăng thông qua trước khi tổ chức.
     
    4. Tiếp nhận tặng phẩm.
     
    Tập thể, cá nhân trong nước, Việt kiều và khách quốc tế có nguyện vọng trao tặng phẩm bằng tiền hoặc hiện vật đóng góp tôn tạo Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn phòng Ban Quản lý Lăng có trách nhiệm báo cáo Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng tổ chức tiếp nhận và trao Giấy chứng nhận của Ban Quản lý Lăng.
     
    Điều 7. Vòng hoa, băng vòng hoa.
     
    1. Kích thước vòng hoa, băng vòng hoa.
     
    a) Vòng hoa cấp Nhà nước, cấp A có kích thước 1,2 m x 1,6 m; băng vòng hoa có kích thước 0,25 m x 1,6 m.
     
    b) Vòng hoa cấp A1 có kích thước 1 m x 1,4 m; băng vòng hoa có kích thước 0,2 m x 1,4 m
     
    c) Vòng hoa cấp A2 có kích thước 0,8 m x 1,2 m; băng vòng hoa có kích thước 0,2 m x 1,2 m.
     
    2. Nội dung băng vòng hoa.
     
    a) Đối với các đoàn trong nước: Băng vòng hoa có nền màu đỏ, in hoặc thêu chữ màu vàng, nội dung ghi trên băng vòng hoa bằng tiếng Việt: “ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI” và dòng chữ nhỏ phía dưới ghi tên đoàn viếng, tưởng niệm.
     
    b) Đối với các đoàn khách quốc tế: Nếu không có yêu cầu riêng, băng vòng hoa có nền màu đỏ, in hoặc thêu chữ màu vàng, nội dung ghi trên băng vòng hoa bằng tiếng Việt: “KÍNH VIẾNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” hoặc bằng tiếng Anh: “HOMAGE TO PRESIDENT HO CHI MINH” và dòng chữ nhỏ phía dưới ghi tên đoàn viếng, tưởng niệm.
     
    3. Vòng hoa và băng vòng hoa của các đoàn đã đăng ký phải đưa vào vị trí chuẩn bị trước giờ tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm 30 phút.
     
    4. Đối với các đoàn đến viếng, tưởng niệm đột xuất, nếu có nhu cầu đặt vòng hoa thì nội dung ghi trên băng vòng hoa phải được thông báo cho Ban Đón tiếp và Ban Tổ chức trước 60 phút; vòng hoa và băng vòng hoa được đưa vào vị trí chuẩn bị trước khi đoàn vào viếng, tưởng niệm 30 phút.
     
    5. Ban Đón tiếp và Trực ban Tác chiến Đoàn 275 kiểm tra vòng hoa và băng vòng hoa trước giờ viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh 15 phút.
     
    6. Đoàn 275 tiếp nhận vòng hoa, băng vòng hoa và kiểm tra an ninh. Trường hợp băng vòng hoa ghi bằng tiếng nước ngoài, Ban Đón tiếp trực tiếp nhận và hướng dẫn Đoàn 275 gắn vào vòng hoa.
     
    7. Nếu khách mang theo bó hoa, lẵng hoa đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đến Số 8 Hùng Vương, Trực Kiểm tra an ninh Trung đoàn 375 tiến hành kiểm tra theo quy định rồi trao lại cho khách, thông báo cho Đoàn 275 hướng dẫn khách tự đặt bó hoa, lẵng hoa trước cửa Lăng.
     
    8. Trường hợp đoàn đã đặt vòng hoa nhưng không đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 275 khiêng vòng hoa của đoàn đặt trước cửa Lăng.
    Sau 22 giờ hàng ngày, Đoàn 275 thu các vòng hoa về cửa T22, băng vòng hoa bàn giao cho Ban Đón tiếp. Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình vệ sinh và chuyển vòng hoa ra khỏi khu vực vào sáng ngày hôm sau.
     
    9. Những ngày lễ, nếu không có đoàn đăng ký đặt vòng hoa, Văn phòng Ban Quản lý Lăng hiệp đồng với Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình làm hai vòng hoa đặt hai bên trước cửa Lăng. Băng vòng hoa ghi nội dung “ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI”. Đoàn 275 khiêng vòng hoa đặt vào vị trí quy định vào giờ tổ chức lễ viếng.
     
    Điều 8. Vị trí đặt vòng hoa đón đoàn.
     
    1. Đón đoàn cấp Nhà nước và đoàn cấp A: Vòng hoa được đặt trên dải bê tông thứ 5 đường Hùng Vương, cách đường vào cửa chính Lăng 40 mét.
     
    2. Đón đoàn cấp A1: Vòng hoa được đặt trên dải bê tông thứ 5 đường Hùng Vương, chính giữa trước cửa Lăng
     
    3. Đón đoàn cấp A2: Vòng hoa được đặt trên thềm sỏi chính giữa trước cửa Lăng.
     
    Điều 9. Hàng tiêu binh danh dự, phân cấp đón đoàn và vị trí đón dẫn khách.
     
    1. Hàng tiêu binh danh dự.
     
    Khi tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm cấp Nhà nước và đoàn cấp A: Đoàn 275 tổ chức hai hàng tiêu binh danh dự trước cửa Lăng và một hàng phía trước lễ đài trái.
     
    2. Phân cấp đón đoàn.
     
    a) Đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn cấp A: Trưởng ban Ban Quản lý Lăng (hoặc người được uỷ quyền) đón, dẫn đoàn.
    Trong lễ viếng cấp Nhà nước, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng phân công cán bộ đón, dẫn đoàn các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, thành phố Hà Nội, Đoàn Ngoại giao và Trưởng đại diện của các Tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
     
    b) Đoàn cấp A1: Trực Chỉ huy Trung đoàn 375 đón và dẫn đến trước cửa Lăng, bàn giao cho Chỉ huy Đoàn 275 (người được phân công) đón, dẫn đoàn
     
    c) Đoàn cấp A2: Sỹ quan Trung đoàn 375 đón và dẫn đến trước cửa Lăng, bàn giao cho sỹ quan Đoàn 275 đón, dẫn đoàn.
     
    3. Vị trí đón, dẫn đoàn.
     
    a) Đoàn cấp Nhà nước
     
    - Vào các dịp kỷ niệm: Tết Nguyên đán, Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/2, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Ngày Cách mạng Tháng Tám 19/8 và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9: Đón đoàn đi từ Nhà khách số 8 Hùng Vương đi theo đường Chùa Một Cột, đường Hùng Vương vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
     
    - Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7: Đón đoàn từ đường Hùng Vương vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
    - Đối với đoàn đại biểu dự các Kỳ họp Quốc hội: Đón đoàn từ Hội trường Quốc hội qua sân cỏ Quảng trường Ba Đình vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
     
    b) Đoàn cấp A: Đón đoàn ở giữa dải bê tông thứ 5, phía Nam đường Hùng Vương, ngang với đường vào lễ đài A2, cách ngã tư đường Hùng Vương - Chùa Một Cột 50 mét.
    Trường hợp đoàn đi từ Nhà khách số 8 Hùng Vương: Đón đoàn đi theo đường Chùa Một Cột, đường Hùng Vương vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
     
    c) Đoàn cấp A1 và đoàn cấp A2: Đón đoàn tại ngã tư đường Hùng Vương - Chùa Một Cột, dẫn khách đi theo dải bê tông thứ 5 (đối với đoàn cấp A1) và dải bê tông thứ 4 (đối với đoàn cấp A2) phía Nam đường Hùng Vương.
     
    Điều 10. Trang phục của các lực lượng làm nhiệm vụ.
     
    1. Trực Chỉ huy, Trực ban Tác chiến Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 275 và Trung đoàn 375 làm nhiệm vụ nghi lễ, đón dẫn khách và đứng gác tại các vị trí trong khu vực Lăng mặc trang phục nghiệp vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định:
     
    a) Trang phục mùa nóng: Thực hiện từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10.
     
    b) Trang phục mùa lạnh: Thực hiện từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3 năm sau.
     
    2. Cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ làm nhiệm vụ ở Khu tập kết và Số 8 Hùng Vương mặc trang phục nghiệp vụ theo mùa, trừ một số cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ mặc quân phục, cảnh phục ở những vị trí cần thiết.
     
    Điều 11. Treo cờ, hồng kỳ, đặt lư hương và thắp hương ở khu vực Lăng.
     
    1. Hàng ngày, tổ chức nghi lễ chào cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lúc 06 giờ (mùa nóng), 06 giờ 30 phút (mùa lạnh) và hạ cờ vào lúc 21 giờ
     
    2. Vào các ngày lễ theo quy định của Nhà nước, Tết Dương lịch, ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc, ngày Khai mạc các kỳ họp Quốc hội hoặc theo quyết định của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, tổ chức treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng và hồng kỳ ở hai bên lễ đài; treo cờ Tổ quốc và cờ trang trí tại Khu tập kết.
     
    3. Tổ chức phục vụ nhân dân, khách quốc tế thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí trước Lăng từ 21 giờ ngày 01/9 đến 22 giờ ngày 02/9 và từ 21 giờ ngày 30 Tết Nguyên đán đến 22 giờ ngày mồng 3 Tết Nguyên đán. Lư hương đặt tại thềm sỏi trước cửa Lăng, cách mép thảm trải đường đi vào Lăng về phía bên phải 1 mét (nhìn từ đường Hùng Vương vào cửa Lăng), cách mép đường Hùng Vương 1 mét.
     
    4. Trường hợp khác do Trưởng ban Ban Quản lý Lăng quyết định.
     
    Điều 12. An ninh trật tự trong giờ tổ chức lễ viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
     
    1. Đi lại, làm việc
     
    a) Cấm đi lại lộn xộn, nói chuyện gây mất trật tự trong Lăng; cấm đi lại hoặc đứng ở các lễ đài (trừ các đồng chí làm nhiệm vụ); không đi lại trên các đường cấm, rẽ cắt ngang dòng người đi viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (trừ trường hợp khẩn cấp).
    b) Cấm cắt cỏ, xén cây, cấm sử dụng các loại xe đẩy, xe kéo làm việc trong vườn Lăng, Khu tập kết, Số 8 Hùng Vương và sân cỏ Quảng trường Ba Đình.
     
    2. Xe ô tô của các đoàn cấp Nhà nước, đoàn cấp A được vào sau Lăng để đón đoàn ra.
     
    3. Xe ô tô của các đoàn cấp A1 đón đoàn ra tại phía Bắc đường Hùng Vương.
     
    4. Trung đoàn 375 hướng dẫn, sắp xếp, bảo đảm an toàn cho các phương tiện tại Khu tập kết.
     
    5. Các trường hợp khác do Trưởng ban Ban Quản lý Lăng quyết định.
     
    Điều 13. Quay phim, chụp ảnh ở khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình.
     
    1. Khách tham quan muốn quay phim, chụp ảnh lưu niệm xung quanh khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình phải bảo đảm trang nghiêm, trật tự theo sự hướng dẫn của cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ
     
    2. Các tập thể, cá nhân muốn quay phim, chụp ảnh, vẽ phong cảnh trong khu vực bảo vệ phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản lý Lăng.
     
    3. Cấm quay phim, chụp ảnh, vẽ phòng đặt thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lăng; cấm đưa những hình ảnh phim và bản vẽ phòng đặt thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lăng lên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
     
    Điều 14. Quy định đối với khách đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực.
     
    1. Trong thời gian tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh không tổ chức cho khách tham quan Quảng trường Ba Đình. Ngay sau khi viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu khách có nhu cầu chụp ảnh phía trước Lăng, Đoàn 275, Trung đoàn 375 và Văn phòng Ban Quản lý Lăng chịu trách nhiệm hướng dẫn
     
    2. Khách đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có thái độ nghiêm túc, trang phục chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng. Không tiếp nhận trẻ em dưới 2 tuổi, những người không bảo đảm sức khoẻ, người có hành vi thiếu văn hoá, không chấp hành theo sự hướng dẫn của Ban Tổ chức lễ viếng
     
    3. Khách đến viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh phải qua cổng kiểm tra an ninh và gửi hành lý; được mang theo ví xách tay phụ nữ, mũ, nón, ô, áo mưa, túi xách nhỏ đựng tiền, vàng, kim loại quý, điện thoại di động, máy ảnh du lịch (đã tắt nguồn). Nếu mang theo camera, máy ảnh chuyên dụng, trước khi vào Lăng phải gửi tại nơi nhận gửi của Đoàn 275 và Số 8 Hùng Vương và nhận lại ngay khi ra khỏi Lăng. Không mang theo vũ khí, chất nổ, chất cháy..., không mang theo đồ ăn, thức uống vào khu vực.
     
    4. Trên đường vào viếng, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh mọi người đi thành hàng dọc theo sự hướng dẫn của lực lượng làm nhiệm vụ; không chen lấn, xô đẩy, không chạy tắt qua dòng người. Khi đến trước cửa Lăng, mọi người cầm mũ, nón bên tay phải, lòng mũ, nón hướng ra ngoài. Riêng cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang mặc quân phục, cảnh phục không phải bỏ mũ.
     
    5. Khi vào trong Lăng, mọi người không gây ồn ào làm mất trật tự; không chỉ trỏ, sờ tay vào tường; không cho tay vào túi quần, túi áo; không hút thuốc lá; không nhai kẹo cao su.
     
    6. Tổ chức tham quan khu vực sau Lăng
     
    Hàng ngày, vào tất cả các buổi chiều (từ 14 giờ đến 17 giờ), tổ chức phục vụ nhân dân và khách quốc tế tham quan khu vực sau Lăng.
     
    Điều 15. Ngừng tổ chức lễ viếng.
     
    1. Ngừng lễ viếng trong ngày
    Trong thời gian tổ chức lễ viếng, nếu trường hợp cần phải tạm ngừng lễ viếng, Trực Chỉ huy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng thông báo cho Trực Chỉ huy Trung đoàn 375 để điều hành dòng người vào Lăng.
    Sau khi kết thúc lễ viếng trong ngày, Trực Điều hành lễ viếng, Trung đoàn 375 và Trực Kỹ thuật đặc biệt Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng thống nhất về các số liệu khách viếng.
     
    2. Ngừng lễ viếng làm công tác tu bổ
    Khi ngừng tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm công tác tu bổ định kỳ hoặc vì lý do khác, Ban Quản lý Lăng sẽ thông báo cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Trung đoàn 375, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh.
     
    Văn phòng Ban Quản lý Lăng chuẩn bị nội dung và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông báo cho đồng bào trong nước và khách quốc tế biết về lý do, thời gian ngừng tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời gian tổ chức lễ viếng trở lại.
     
    Trung đoàn 375 thông báo thời gian ngừng tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời gian tổ chức lễ viếng trở lại tại Khu tập kết và Số 8 Hùng Vương.
     
    Điều 16. Chế độ giao ban tổ chức lễ viếng.
     
    1. Hàng ngày, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng uỷ quyền cho Trực Chỉ huy Trung đoàn 375 chủ trì giao ban trước giờ tổ chức lễ viếng 30 phút. Nếu trong ngày có tổ chức lễ viếng cấp Nhà nước thì giao ban trước giờ tổ chức lễ viếng 60 phút.
     
    2. Thành phần giao ban
     
    a) Trung đoàn 375: Trực Chỉ huy Trung đoàn, Trực ban Tác chiến, Trực Chỉ huy Ban Tham mưu, Trực Chỉ huy các Đại đội, Đội trưởng Kỹ thuật và Đội trưởng Điều hành hướng dẫn viếng, cán bộ Ban Tổ chức.
    b) Đoàn 275: Trực ban Tác chiến.
    c) Văn phòng Ban Quản lý Lăng: Cán bộ Ban Đón tiếp
    d) Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình: Cán bộ Đội Vệ sinh môi trường.
     
    3. Nội dung giao ban:
     
    - Kết quả và diễn biến lễ viếng ngày hôm trước; những vấn đề cần rút kinh nghiệm;
    - Số lượng đoàn đăng ký viếng, đối tượng khách, số đoàn đặt vòng hoa viếng, những yêu cầu của các đoàn trong ngày;
    - Dự kiến diễn biến tình hình buổi viếng, đề xuất biện pháp phối hợp hiệp đồng xử lý.
     
    Chương III

    TỔ CHỨC LỄ TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ.

    Điều 17. Thời gian tổ chức lễ tưởng niệm.
     
    1. Lễ tưởng niệm thường xuyên
     
    a) Thời gian tưởng niệm mùa nóng (từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10):
    - Buổi sáng: Từ 07 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút;
    - Buổi chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút.
     
    b) Thời gian tưởng niệm mùa lạnh (từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3 năm sau)
    - Buổi sáng: Từ 08 giờ đến 11 giờ;
    - Buổi chiều: Từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút.
     
    2. Tổ chức lễ tưởng niệm cấp Nhà nước
     
    a) Tổ chức lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ vào dịp kỷ niệm: Tết Nguyên đán, Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/2, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Ngày Cách mạng Tháng Tám 19/8 và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9.
     
    Các đoàn đại biểu bao gồm:
     
    - Đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng;
    - Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an;
    - Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội;
    - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7;
    - Đoàn đại biểu Đoàn Ngoại giao và Trưởng đại diện các Tổ chức quốc tế tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám 19/8 và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9;
    - Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình.
     
    b) Trước khi khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc, các kỳ họp Quốc hội, Ban Quản lý Lăng phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đón tiếp và phục vụ các đoàn đại biểu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
     
    c) Phân cấp các đoàn
     
    - Đoàn cấp A: Tổng thống, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Nhà Vua, Nữ hoàng.
     
    - Đoàn cấp A1: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận, Phó Tổng thống, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và tương đương.
     
    - Cấp A2: Các đoàn còn lại.
     
    Các trường hợp đặc biệt nâng cấp đoàn do Trưởng ban Ban Quản lý Lăng quyết định.
     
    Điều 18. Tiếp nhận đăng ký tưởng niệm và tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa.
     
    1. Ban Tổ chức và Ban Đón tiếp có trách nhiệm tiếp nhận, cấp giấy hẹn, hướng dẫn các quy định cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đến tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
     
    2. Ngoài lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, các sinh hoạt chính trị, văn hóa thực hiện như quy định sinh hoạt chính trị, văn hoá tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
     
    Điều 19. Nghi thức tổ chức lễ tưởng niệm.
     
    1. Kích thước vòng hoa, băng vòng hoa: Thực hiện theo Khoản 1, Điều 7 quy định này.
     
    2. Nội dung băng vòng hoa
     
    a) Đối với các đoàn trong nước: Băng vòng hoa có nền màu đỏ, in hoặc thêu chữ màu vàng, nội dung ghi trên băng vòng hoa bằng tiếng Việt: “ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ” và dòng chữ nhỏ phía dưới ghi tên đoàn tưởng niệm.
     
    b) Đối với các đoàn khách quốc tế: Nếu không có yêu cầu riêng, băng vòng hoa có nền màu đỏ, in hoặc thêu chữ màu vàng, nội dung ghi trên băng vòng hoa bằng tiếng Việt: “KÍNH VIẾNG CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ” hoặc bằng tiếng Anh: “HOMAGE TO THE HEROIC MARTYRS” và dòng chữ nhỏ phía dưới ghi tên đoàn tưởng niệm.
     
    3. Vòng hoa và băng vòng hoa của các đoàn đã đăng ký phải đưa vào vị trí chuẩn bị trước giờ tổ chức lễ tưởng niệm 30 phút. Đoàn 275 tiếp nhận vòng hoa, băng vòng hoa và kiểm tra an ninh. Trường hợp băng vòng hoa ghi bằng tiếng nước ngoài, Ban Đón tiếp trực tiếp nhận và hướng dẫn Đoàn 275 gắn vào vòng hoa.
     
    4. Đối với các đoàn đến tưởng niệm có nhu cầu đặt vòng hoa thì nội dung ghi trên băng vòng hoa phải được thông báo cho Ban Đón tiếp hoặc Ban Tổ chức trước 60 phút; vòng hoa và băng vòng hoa được đưa vào vị trí chuẩn bị trước khi đoàn làm lễ tưởng niệm 30 phút.
     
    5. Trường hợp đoàn đã đặt vòng hoa nhưng không đến tưởng niệm, Đoàn 275 khiêng vòng hoa đặt trước Đài tưởng niệm.
     
    6. Những ngày lễ, nếu không có đoàn đăng ký đặt vòng hoa, Văn phòng Ban Quản lý Lăng hiệp đồng với Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình làm hai vòng hoa đặt hai bên trước Đài tưởng niệm. Băng vòng hoa ghi nội dung “ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ”. Đoàn 275 kiểm tra an ninh và khiêng vòng hoa đặt vào vị trí quy định vào giờ tổ chức lễ tưởng niệm.
     
    7. Sau 22 giờ hàng ngày, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình thu dọn các vòng hoa, băng vòng hoa bàn giao cho Ban Đón tiếp và vệ sinh khu vực vào sáng ngày hôm sau.
     
    8. Vào 15 giờ 30 phút hàng ngày, Ban Tổ chức và Ban Đón tiếp tổng hợp kế hoạch tưởng niệm ngày hôm sau. Ban Đón tiếp báo cáo Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng để Chánh Văn phòng phê duyệt kế hoạch.
     
    9. Phân cấp đón và dẫn đoàn
     
    a) Đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn cấp A: Trưởng ban Ban Quản lý Lăng (hoặc người được uỷ quyền) đón và dẫn đoàn.
     
    b) Đoàn cấp A1: Trực Chỉ huy Đoàn 275 đón và dẫn đoàn.
     
    c) Đoàn cấp A2: Sỹ quan Đoàn 275 đón và dẫn đoàn.
     
    10. Quy định về tiêu binh, quân nhạc, đốt trầm và thắp hương
     
    a) Khi tổ chức lễ tưởng niệm theo nghi lễ cấp Nhà nước, sử dụng 2 hàng tiêu binh, quân nhạc, đốt trầm và thắp hương.
     
    b) Khi tổ chức lễ tưởng niệm cho các đoàn có sử dụng quân nhạc thì bố trí 4 tiêu binh; các đoàn khác, thắp hương và mở nhạc "Hồn tử sỹ".
     
    c) Hàng ngày, từ 08 giờ đến 21 giờ, nếu nhân dân có nhu cầu vào thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Trung đoàn 375 mở cửa, kiểm tra an ninh và hướng dẫn.
     
    11. Quy định về tập kết xe khi đến tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ
     
    a) Khi đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đến Nhà khách Đài tưởng niệm trong lễ tưởng niệm cấp Nhà nước, vị trí dừng xe ô tô trước cửa Nhà khách Đài tưởng niệm, sau đó đón đại biểu tại phía trái Đài tưởng niệm.
     
    b)Các đoàn cấp Nhà nước, cấp A, A1, A2 đến tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, vị trí dừng xe ô tô trước Đài tưởng niệm, sau đó đón đại biểu tại phía trái Đài tưởng niệm.
     
    c) Các phương tiện của tập thể, cá nhân trong và ngoài nước tập kết tại phía trước Đài tưởng niệm trên đường Hoàng Diệu.

    ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

    Ban Tổ chức lễ viếng Lăng Bác, số 17 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
    Điện thoại: 024 38455128
     
    Ban Đón tiếp, Văn phòng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, số 1 Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội.
    Điện thoại: 024 38455168 - 024 37345484